Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Lãnh đạo Vinaconex chính thức xin lỗi người dân vì sự cố vỡ đường ống

Chiều 15/7, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, đã có nhiều câu hỏi từ phía phóng viên gửi đến Tổng giám đốc Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) Vũ Qúy Hà xoay quanh sự cố vỡ đường ống nước sông Đà. Ông Hà đã gửi lời xin lỗi đến Nhân dân Thủ đô vì sự cố này và thẳng thắn chia sẻ “Đường ống liên tục bị vỡ, chưa làm tốt phục vụ Nhân dân, chúng tôi thực sự rất đau xót”.

Lãnh đạo Vinaconex thẳng thắn nhận lỗi trước nhân dân và quyết tâm xây dựng tuyến ống số 2 an toàn, hiệu quả
Tự tin đầu tư giai đoạn 2, dự án đường ống nước từ sông Đà về Hà Nội
Theo đại diện Vinaconex, thì ống composite cốt sợi thủy tinh được sử dụng trong Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây- Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông là loại vật liệu lần đầu tiên được ứng dụng trong hệ thống truyền tải nước sạch tại Việt Nam nên Vinaconex còn thiếu kinh nghiệm trong việc triển khai. Do đó, từ khi đi vào sử dụng đến nay hệ thống đường ống truyền tải nước sạch Sông Đà đã có một số lần gặp sự cố làm gián đoạn cấp nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của một bộ phận nhân dân Thủ Đô sử dụng nguồn nước sạch Sông Đà.
Vinaconex đã thừa nhận kết luận giám định nguyên nhân sự cố vỡ đường ống truyền tải nước Sông Đà của Bộ Xây dựng. Theo đó, ống composite cốt sợi thủy tinh có chất lượng không đồng đều. Quá trình vận chuyển, thi công, lắp đặt đã gây ra một số tác động bất lợi tới đường ống, làm giảm khả năng bám dính của các lớp vật liệu cấu tạo ống, về lâu dài ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của ống giai đoạn khai thác sử dụng. Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác như ảnh hưởng của việc thi công xây dựng và vận hành khai thác tuyến đại lộ Thăng Long, việc gia tăng tải trọng của các phương tiện giao thông tại các đường ngang, đường dân sinh trên tuyến ống; vật liệu composite cốt sợi thủy tinh có thể suy giảm một số chỉ tiêu cơ lý theo thời gian (trong khi không có kết quả thí nghiệm chứng minh độ bền lâu của vật liệu chế tạo ống).
Lãnh đạo Vinaconex tiếp thu, khẩn trương nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong Ban lãnh đạo; nhận khuyết điểm với Chính Phủ, Bộ Xây dựng, Thành Phố Hà Nội và Nhân dân Thủ đô do đã để các sự cố vỡ ống dẫn nước đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, Vinaconex yêu cầu các đơn vị liên quan đến xây dựng công trình đoạn tuyến ống dẫn nước Sông Đà để xảy ra sự cố bao gồm: Nhà thầu sản xuất và cung cấp ống dẫn nước, các nhà thầu thi công xây dựng tuyến ống, Nhà thầu giám sát thi công xây dựng, Đơn vị tổng thầu thiết kế và Ban quản lý dự án (Đại diện chủ đầu tư) nghiêm túc kiểm điểm, có báo cáo giải trình, xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân vi phạm và xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, Vinaconex đẩy nhanh các Thủ tục xin phép Chính phủ, các Bộ ngành, UBND thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn 2, nâng công suất cấp nước lên 600 nghìn m3/ngày/ đêm theo đúng phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, lựa chọn loại ống truyền tải phù hợp, đảm bảo an toàn khi vận hành, trong thời gian nhanh nhất có thể nhằm đáp ứng nhu cầu tăng thêm 300 nghìn m3/ngày/ đêm (giai đoạn 2) cho nhân dân Thủ đô Hà Nội và các địa phương lân cận.
TCty đã và đang chỉ đạo Công ty CP nước sạch Vinaconex nghiêm túc thực hiện các biện pháp xử lý, bao gồm kiểm soát và duy trì áp lực nước trong tuyến ống ở mức độ ổn định, phù hợp; theo dõi thường xuyên để sớm phát hiện sự bất thường trong hệ thống từ các chỉ số trên các thiết bị kiểm soát đồng thời tăng cường nguồn lực cho đội phản ứng nhanh để có giải pháp ứng cứu, khắc phục nhanh nhất khi sự cố xảy ra, và phối hợp với chính quyền địa phương nơi có tuyến ống đi qua để có biện pháp bảo vệ hành lang an toàn tuyến ống.
Trả lời câu hỏi từ phía báo giới về việc Vinaconex có tự tin chuẩn bị đầu tư tiếp giai đoạn 2, dự án đường ống nước từ sông Đà về Hà Nội, ông Hà cho biết: Chúng tôi tự tin khi triển khai dự án vào giai đoạn 2 tới đây. Với nguồn vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng, dự án giai đoạn 2, chúng tôi sẽ sử dụng vật liệu kim loại bền cao hơn và cũng đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch cho người dân. Trước khi triển khai dự án này, chúng tôi đã đi thăm một số dự án ở trong TPHCM.
Về dự án đường ống nước khẩn cấp với chiều dài 28 km, nguồn vốn gần 1 nghìn tỷ đồng, chúng tôi đã triển khai công tác thiết kế, thu xếp xong vốn, theo dự kiến sẽ cố gắng khởi công dự án vào tháng 9 này. Chúng tôi dám làm, dám chịu trách nhiệm và thực tế đây là vốn tự có của doanh nghiệp. Chúng tôi tự tin trong việc triển khai dự án đường ống nước trong giai đoạn 2.
Thành phố đang xem xét các phương án cấp nước ổn định
Ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó CVP UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong sự cố vỡ ống nước sông Đà, Thành phố đã chỉ đạo sát sao để người dân có nước dùng nhằm ổn định cuộc sống. Ông Thịnh thông tin: Ngay khi xảy ra sự cố vỡ lần thứ 8, thứ 9, Thành phố đã có nhiều cuộc họp liên tục để xem xét các phương án, nhưng quyết định phương án nào thì còn đang bàn vì còn tính toán đến nguồn lực và hiệu quả kinh tế. Trong đó, có một phương án là khẩn trương xây dựng một đường cấp nước độc lập từ QL 21 về Hà Nội (tuyến “cấp cứu” ) mà báo chí đã thông tin– đây là phương án ưu tiên, chứ quyết như thế nào còn đợi cuộc họp chiều nay của Thành phố.
Cũng theo ông Thịnh, Quy hoạch cấp nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì trên đại lộ Thăng Long sẽ xây dựng 4 tuyến đường ống cấp nước. Vinaconex cũng đang nghiên cứu để đưa ra phương án xây dựng tuyến ống số 2, vật liệu bằng kim loại, có tham khảo sử dụng công nghệ của nước ngoài.
Tuyến ống “cấp cứu” do UBND thành phố làm sẽ phát huy tác dụng nếu xảy ra sự cố với tuyến ống composite sợi thủy tinh. Nhưng, nếu như liền một lúc chúng ta làm 2 tuyến ống “cấp cứu” và tuyến ống số 2 do Vinaconex triển khai đầu tháng 9 này, thì cần phải cân nhắc rất kỹ hiệu quả kinh tế. Bởi mỗi tuyến ống như vậy cần đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Nếu có sử dụng phương án làm tuyến ống “cấp cứu” thì sẽ nối từ QL 21 về BigC, đường kính ống 1-1,2m, khả năng cung cấp khoảng 100-140 nghìn m3/ ngày /đêm và Vinaconex hoàn toàn đảm bảo được nguồn cấp nước từ nhà máy nước Sông Đà. Theo quy hoạch hiện có, chúng ta phải tận dụng tối đa khai thác nguồn nước sông Đà đã được đầu tư xây dựng, do vậy, phải có hệ thống truyền dẫn.
Chủ trương của Thành phố đã có xử lý tình huống khẩn cấp đồng thời cũng đang xem xét các phương án lâu dài. Còn phương án 60 ngày để thi công tuyến ống “cấp cứu” mà báo giới đã thông tin là sự mong muốn, còn khả năng thực tế sẽ kéo dài hơn. Nếu sử dụng đường ống khẩn cấp thì 3 tháng sẽ có nước, còn nếu khắc phục được bằng việc cung cấp nước từ các nguồn hiện có để đưa đến dân cư bị ảnh hưởng mất nước do sự cố vỡ đường ống sông Đà thì sẽ tập trung đầu tư tuyến ống số 2 do Vinaconex đưa ra để tiết kiệm kinh phí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét